Oxi là nguyên tố hay còn được gọi là đơn chất phi kim Oxi. Đây là một kiến thức chúng ta đã từng tìm hiểu ở trong trường lớp cũng như ở trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, với góc độ là hoá học thì những kiến thức đó đúng nhưng chưa đủ. Bài viết sau của Admin.edu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mùi vị, màu sắc, tính chất vật lý, tính chất hoá học của oxi là gì?
NỘI DUNG CHÍNH
1. Định nghĩa Oxi là gì?
Oxi (tên tiếng Anh là Oxygen) là nguyên tố hóa học có ký hiệu là O. Công thức hóa học của đơn chất (khí) Oxi là O2; Nguyên tử khối là 16 và phân tử khối là 32. Oxi được biết đến là nguyên tố hóa học phổ biến chiếm khối lượng lớn nhất trong vỏ Trái Đất. Ở dạng hợp chất nguyên tố oxi có trong đường, nước, quặng, đất đá, cơ thể người và động vật…
2. Tính chất vật lý của oxi
Để làm rõ những tính chất vật lý của khí oxi, Admin.edu đã đưa ra tình huống quan sát cũng như những câu hỏi gợi mở kiến thức để các bạn hình dung rõ ràng hơn.
Quan sát: Có 1 lọ đựng khí oxi được đậy nút. Nhiệm vụ của người học là nhận xét màu sắc của khí oxi. Tiếp đó mở nút của lọ đó, đưa lên gần mũi và dùng tay phẩy nhẹ khí oxi vào mũi để nhận xét mùi của nó.
2 câu hỏi tiếp theo được đưa ra để tìm hiểu tính chất của oxi là:
-
1 lít nước ở 20 độ C hòa tan được 31 ml khí oxi. Có chất khí (ví dụ amoniac) tan được 700 lít trong 1 lít nước. Vậy khí oxi là chất tan nhiều hay ít trong nước?
-
Xác định khí oxi nặng hay nhẹ hơn không khí? (Cho biết tỉ khối của oxi đối với không khí là 32 : 29).
Sau khi trả lời được những câu hỏi và quan sát ở trên, ta có thể dễ dàng kết luận những tính chất vật lý điển hình của khí oxi là:
-
Khí oxi là chất khí không màu, không mùi, không vị và nặng hơn không khí (d= 32/29, xấp xỉ bằng 1.1).
-
Dưới áp suất khí quyển oxi hóa lỏng ở nhiệt độ -183 độ C.
-
Khí oxi ít tan ít trong nước, 100ml nước ở 20 độ C, 1 atm hòa tan được 3.1ml khí oxi.
-
Độ tan của khí oxi ở 20 độ C và 1 atm là 0.0043g trong 100g H2O.
3. Tính chất hóa học của oxi
Tìm hiểu về oxi không thể bỏ qua những tính chất hóa học cơ bản của nó. Nhìn chung, oxi là một đơn chất phi kim rất hoạt động, đặc biệt ở nhiệt độ cao, dễ tham gia phản ứng hóa học với nhiều phi kim, nhiều kim loại cũng như hợp chất. Trong các hợp chất hóa học nguyên tố oxi có hóa trị II.
3.1. Oxi tác dụng với kim loại
Ví dụ:
Là một thí nghiệm để chứng minh oxi có thể tác dụng với kim loại như sau:
Lấy một đoạn dây sắt nhỏ đưa vào lọ đựng khí oxi. Quan sát thí nghiệm để xem có phản ứng hóa học nào xảy ra không. Tiếp tục quấn thêm vào đầu dây sắt một mẫu than gỗ, đốt cho sắt và than nóng đỏ rồi đưa vào lọ chứa khí oxi. Quan sát chúng ta có thể rút ra nhận xét: Khi cho dây sắt có quấn mẫu than hồng vào lọ khí oxi, mẫu than cháy trước tạo nhiệt độ đủ cao cho sắt cháy. Sắt cháy mạnh, sáng chói không có ngọn lửa, không có khói, tạo ra các hạt nhỏ nóng chảy màu nâu là sắt (II, III) oxit, công thức hóa học là Fe3O4 (oxit sắt từ).
Phương trình hóa học xảy ra như sau:
3Fe (r) + 2O2 (k) → Fe3O4 (Điều kiện: Nhiệt độ)
Ví dụ khác:
Mg + O2 → 2MgO (Điều kiện: Nhiệt độ)
3.2. Oxi tác dụng với phi kim
-
Oxi tác dụng với lưu huỳnh (S)
Thực hiện thí nghiệm đưa muỗng sắt có chứa một lượng nhỏ bột lưu huỳnh vào ngọn lửa đèn cồn để quan sát. Tiếp tục đưa lưu huỳnh đang cháy vào lọ có chứa khí oxi và so sánh hiện tượng lưu huỳnh cháy trong oxi và trong không khí.
Quan sát thí nghiệm ta có thể rút ra nhận xét:
Lưu huỳnh cháy trong không khí với ngọn lửa nhỏ màu xanh nhạt, khi cháy trong không khí mãnh liệt hơn tạo thành khí lưu huỳnh đioxit SO2 (hay khí sunfurơ) và rất ít lưu huỳnh trioxit (SO3).
Sự cháy của lưu huỳnh ở trong không khí và khí oxi được biểu diễn bằng phương trình hóa học như sau:
S (r)+ O2 (k) → SO2 (k) (Điều kiện: Nhiệt độ)
-
Oxi tác dụng với photpho (P)
Thực hiện thí nghiệm cho vào muỗng sắt một lượng photpho đỏ (chất rắn có màu đỏ nâu, không tan trong nước). Đưa muỗng sắt có chứa photpho vào lọ đựng khí oxi. Quan sát xem có dấu hiệu của phản ứng hóa học không. Đốt cháy photpho đỏ trong không khí rồi đưa nhanh vào lọ chứa khí oxi và so sánh sự cháy của photpho trong không khí và trong khí oxi. Nhận xét chất tạo thành ở trong lọ và thành lọ.
Qua quá trình quan sát ta có thể dễ dàng rút ra nhận xét: Photpho cháy mạnh trong khí oxi với ngọn lửa sáng chói, tạo ra khói trắng dày đặc bám vào thành lọ dưới dạng bột tan được trong nước. Bột trắng đó là điphotpho pentaoxit, có công thức hóa học là P2O5.
Ta có phương trình hóa học như sau:
4P (r) + 5O2 (k) → 2P2O5 (r) (Điều kiện: Nhiệt độ)
-
Cacbon cháy trong không khí
C + O2 → CO2 (Điều kiện: Nhiệt độ)
3.3. Oxi tác dụng với hợp chất
Ngoài tác dụng với kim loại và phi kim thì tác dụng với hợp chất cũng là một trong những tính chất hóa học quan trọng của oxi.
-
Oxi tác dụng tác khí metan (CH4)
Khí metan (có trong khí bùn ao, khí bioga) cháy trong không khí do tác dụng với khí oxi tỏa ra nhiều nhiệt. Ta có PTHH:
CH4 (k) + 2O2 (k) → CO2 (k) + 2H2O (h) (Điều kiện: Nhiệt độ)
-
Oxi tác dụng với CO (CO cháy trong không khí)
2CO + O2 → 2CO2
-
Etanol cháy trong không khí
C2H5OH + 3O2 → 2CO2 + 3H2O
4. Điều chế oxi như thế nào?
Có nhiều cách để điều chế oxi, tùy vào mục đích của nó. Dưới đây là những cách điều chế, sản xuất oxi trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp phổ biến nhất!
4.1. Điều chế oxi trong phòng thí nghiệm
Trong phòng thí nghiệm, khí oxi được điều chế bằng cách phân hủy những hợp chất giàu oxi và ít bền đối với nhiệt như KMnO4 (rắn), KClO3 (rắn)…
Ví dụ:
2KMnO4 → K2MnO4 + MnO2 + O2 (Điều kiện: Nhiệt độ)
4.2. Sản xuất oxi trong công nghiệp
Có 2 cách để sản xuất oxi trong công nghiệp đó là sản xuất từ không khí và từ nước.
-
Sản xuất oxi từ không khí: Không khí sau khi đã loại bỏ hết nước, bụi, khí cacbon đioxit, được hóa lỏng. Chưng cất phân đoạn không khí lỏng sẽ thu được oxi. Oxi được vận chuyển trong những bình thép có dung tích 100 lít dưới áp suất 150 atm.
-
Sản xuất oxi từ nước: Tiến hành điện phân nước (nước có hòa tan một lượng nhỏ H2SO4 hoặc NaOH để tăng tính dẫn điện của nước), chúng ta thu được khí oxi ở cực dương và khí hidro ở cực âm.
5. Ứng dụng của oxi trong đời sống
Khí oxi có vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong công nghiệp đốt nhiên liệu.
5.1. Vai trò của oxi với sự sống của con người và động vật
Oxi có nhiều ứng dụng quan trọng, có vai trò quyết định sự sống của con người và động vật. Mỗi ngày, chúng ta cần khoảng 20-30m3 khí oxi để duy trì sự sống.
Những thợ chữa cháy, phi công hay thợ lặn khi thực hiện nhiệm vụ đều cần thở khí oxi chứa trong các bình đặc biệt.
5.2. Ứng dụng oxi trong công nghiệp – đốt nhiên liệu
Khi các nhiên liệu cháy trong oxi sẽ tạo nhiệt độ cao hơn khá nhiều so với cháy trong không khí. Ứng dụng dụng trong công nghiệp đốt nhiên liệu của oxi còn thể hiện qua hoạt động chế tạo mìn phá đá, oxi lỏng dùng để đốt nhiên liệu trong tên lửa. Một ứng dụng khá gần gũi của oxi trong công nghiệp luyện gang thép là thổi khí oxi để tạo nhiệt độ lớn hơn, nâng cao hiệu suất và chất lượng của gang và thép.
6. Bài tập về oxi
Bài 1
Dùng từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống trong các câu sau:
Kim loại, phi kim, rất hoạt động, phi kim rất hoạt động, hợp chất.
Khí oxi là một đơn chất … Oxi có thể phản ứng với nhiều …, …, …
Bài 2
Nêu các thí dụ chứng minh rằng oxi là một đơn chất rất hoạt động (đặc biệt ở nhiệt độ cao)
Bài 3
Butan có công thức C4H10 khi cháy tạo ra khí cacbonic và hơi nước, đồng thời tỏa nhiều nhiệt. Viết phương trình hóa học biểu diễn sự cháy của butan.
Gợi ý đáp án bài 1:
Khí oxi là một đơn chất phi kim rất hoạt động. Oxi có thể phản ứng với nhiều phi kim, kim loại, hợp chất.
Gợi ý đáp án bài 2:
Oxi là một đơn chất rất hoạt động (đặc biệt ở nhiệt độ cao), ví dụ:
3Fe + 2O2 → Fe3O4.
S + O2 → SO2.
Gợi ý đáp án bài 3:
Phương trình hóa học:
2C4H10 + 13O2 → (nhiệt độ) 8CO2 + 10H2O
Bài viết trên, Admin.edu mong rằng các bạn sẽ hiểu thêm về tính chất của oxi. Chúc các bạn học tập thật tốt nhé.